Đề xuất đánh thuế gấp đôi khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM

Tăng thuế đất phi nông nghiệp không quá 5 lần, tăng thuế thu nhập cá nhân không quá 2 lần khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên là những chính sách đặc thù được đề xuất áp dụng tại TP.HCM.

Đề xuất đánh thuế gấp đôi khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM - Ảnh 1.
Chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM sẽ phải nộp thuế cao hơn – Ảnh: L.H.

Thí điểm đánh thuế chuyển nhượng nhà thứ hai, tăng phí

Đây là những đề xuất chính sách mới được đưa ra trong dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (lần 3) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành lần 2, trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới.

Theo điều 5 dự thảo nghị quyết, về cơ chế tài chính ngân sách, HĐND TP.HCM quyết định áp dụng việc tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở, mức tăng không quá 5 lần mức thu hiện hành. Tăng thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, mức tăng không quá 2 lần mức thu hiện hành.

Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM sẽ quyết định áp dụng trên địa bàn những loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm Luật phí và lệ phí. Điều chỉnh mức thu, tỉ lệ thu phí, lệ phí trong danh mục, lệ phí tòa án.

Cũng theo dự thảo cơ chế đặc thù với TP.HCMtrong những năm tới, ngân sách TP.HCM sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm các khoản thu từ việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội và các nhiệm vụ chi khác.

Tuy nhiên, việc thí điểm thu thêm phí, lệ phí, tăng phí, lệ phí trên địa bàn TP.HCM phải tuân thủ nguyên tắc có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dự thảo cơ chế đặc thù của TP.HCM đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành cũng bổ sung cơ chế cho TP.HCM được vay nợ thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài, vay lại từ Chính phủ, với tổng dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp.

Đề xuất đánh thuế gấp đôi khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên tại TP.HCM - Ảnh 3.
TP Thủ Đức (trực thuộc TP.HCM) sẽ trở thành trung tâm tài chính của khu vực trong tương lai – Ảnh: T.L.

Lập Sở An toàn thực phẩm

Về tổ chức bộ máy, điểm đáng lưu ý trong cơ chế đặc thù với TP.HCM là sẽ thí điểm cho thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm. Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sở mới này sẽ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố. 

Dự thảo nghị quyết cũng bổ sung quy định UBND cấp huyện thuộc TP.HCM có không quá 3 phó chủ tịch, đối với UBND cấp phường, xã, thị trấn có từ 50.000 dân trở lên cũng có không quá 3 phó chủ tịch.

Đồng thời giao thẩm quyền cho HĐND TP.HCM căn cứ vào quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn.

Quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, mức tăng không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Theo tờ trình về tình hình triển khai xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Thường trực Chính phủ, nội dung dự thảo nghị quyết mới gồm 48 chính sách, cơ chế, được chia thành 4 nhóm.

Nhóm 1 gồm 10 cơ chế, chính sách đã được quy định trong nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Nhóm 2 gồm 3 cơ chế, chính sách có nội dung tương tự như nghị quyết đặc thù cho các địa phương liên quan tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải pháp mặt bằng; kiểm đếm dự án thu hồi đất trên địa bàn.

Nhóm 3 gồm 9 chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật nhà ở liên quan đến đất đai, phát triển dự án nhà ở trên địa bàn.

Nhóm 4 gồm 26 chính sách mới lần đầu tiên được áp dụng trên cả nước để tạo đột phá cho TP.HCM như thí điểm đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; thu hút nhà đầu tư chiến lược vào xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch.

nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-danh-thue-gap-doi-khi-chuyen-nhuong-nha-dat-thu-hai-tro-len-tai-tp-hcm-202303081058514.htm?

 5,880 total views,  5 views today

Vision Land

Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Vision Land được thành lập từ năm 2017. Sau gần 6 năm hình thành và phát triển, đến nay Vision Land đã khẳng định được uy tín và năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ngành tư vấn, phân phối Bất động sản tại Việt Nam. Với tôn chỉ hoạt động: Luôn Luôn Mang Đến Cho Khách Hàng Sản Phẩm TỐT VÀ SINH LỜI BẬC NHẤT, chúng tôi đã nỗ lực trở thành kênh tư vấn tin cậy, mang đến cho khách hàng những dự án, sản phẩm đầu tư chất lượng và tiềm năng sinh lời cao nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.