Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã nhận định như trên tại toạ đàm “Uông Bí – Quảng Ninh – Điểm sáng đầu tư 2023”. Trên thực tế, các yếu tố tích cực đang xuất hiện ngày càng nhiều, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển thời gian tới.
Thị Trường Sớm Khởi Sắc
Tại hội thảo, những yếu tố tích cực đóng vai trò quan trọng tạo đà bật cho thị trường bất động sản sau thời gian trầm lắng được ông Nguyễn Văn Đính đề cập đến đều mang tính chất vĩ mô. Điều này cho thấy Chính phủ đang quan tâm và có động thái rõ ràng nhằm mở cửa sáng cho thị trường. Cụ thể, Chính phủ đã thành lập tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng có công điện đôn đốc các đơn vị liên quan xem xét, tìm cách tháo gỡ vướng mắc ở từng địa phương.
Điểm nghẽn về nguồn vốn đã được đưa ra phương án tháo gỡ cụ thể khi Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Được biết, gói tín dụng này sẽ ưu tiên cho phát triển nhà thu nhập thấp là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn thị trường. Ông Đính đánh giá gói tín dụng trên là liều thuốc bổ có giá trị, góp phần “chữa” những căn bệnh trầm kha của thị trường. Thế nhưng để thuốc bổ phát huy tác dụng, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về về tiêu chí, nhóm đối tượng được tiếp cận gói ưu đãi này.Bên cạnh đó, yếu tố tích cực còn đến từ việc Nhà nước đang điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A bất động sản thông qua các chính sách. Việc điều chỉnh sẽ tập trung theo hướng tránh chồng chéo các văn bản pháp luật. Ngoài ra, Nhà nước cũng đề cập đến việc các doanh nghiệp bất động sản cần phải cơ cấu lại sản phẩm và tái cấu trúc doanh nghiệp. M&A dự án bất động sản và việc đưa ra được thị trường các sản phẩm phù hợp với nhu cầu số đông là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp bất động sản có thể “tự cứu mình” bên cạnh việc trông chờ vào các quyết sách của Nhà nước.Ông Đính nhấn mạnh hàng loạt động thái của Chính phủ nhằm “cởi” các nút thắt của thị trường về pháp lý, về chính sách tín dụng… là nền tảng để thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên từ quý 3/2023.
Các Điểm Nghẽn Cần Được Tháo Gỡ Như Thế Nào?
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, thị trường vốn của lĩnh vực bất động sản hiện đang phải đối mặt nhiều thách thức khác. Thách thức đầu tiên phải kể đến là vấn đề trái phiếu. Riêng trong năm 2023, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn. Tổng số tiền đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 sẽ là khoảng 110.000 tỷ đồng.
Vấn đề lớn của thị trường bất động sản là ách tắc ở trái phiếu doanh nghiệp bởi loại hình đầu tư này đang tạo áp lực rất lớn với các nhà đầu tư bất động sản, trong khi nguồn vốn ngân hàng không hề dễ dàng tiếp cận. Do đó, về vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, ông Lực đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ.Về dòng vốn M&A của thị trường bất động sản đang có xu hướng tăng trưởng khi thị trường gặp khó, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá đây là một nguồn vốn rất quan trọng của thị trường. Hiện nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị ngân hàng cho vay phần vốn thiếu hụt khi thực hiện các hoạt động giao dịch M&A bất động sản. Ông Lực tán thành với kiến nghị này và cho rằng việc này hoàn toàn khả thi. Trong hoạt động M&A bất động sản, trường hợp doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng tài trợ 30%.Bên cạnh vốn thì pháp lý dự án là điểm nghẽn nhức nhối của thị trường. Tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý cũng như tháo gỡ những vướng mắc về dòng vốn được chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV xếp vào nhóm giải pháp ngắn hạn cần được giải quyết trước mắt. Khi nút thắt nguồn vốn được tháo gỡ, hàng trăm dự án được giải tỏa, nguồn cung gia tăng, dòng tiền từ đây mà ra. Và quan trọng hơn, pháp lý được tháo gỡ chính là củng cố niềm tin cho thị trường.
Nguồn: https://batdongsan.com.vn/phan-tich-danh-gia/thi-truong-bds-se-am-len-tu-quy-3-759730
93,996 total views, 55 views today